Tối 27/02/2019, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), 58 Quán Sứ, Hà Nội diễn ra chương trình nghệ thuật “Thầy thuốc như mẹ hiền”.
Lãnh đạo VOV cùng các vị khách quý đến tham dự chương trình
Đến dự chương trình có PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên dự khuyết TƯ, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các Vụ, Cục, các bệnh viện tuyến đầu của Trung ương và thành phố Hà Nội. Về phía VOV có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV, các Phó Tổng Giám đốc VOV cùng phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Chương trình nghệ thuật “Thầy thuốc như mẹ hiền” nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của những người chiến sĩ áo trắng; vinh danh các y, bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh, đem lại sự sống cho người bệnh.
Chương trình còn dành tặng những ca khúc ngọt ngào, tình cảm cho những y, bác sĩ, cán bộ Ngành Y đã không quản ngày đêm vất vả chăm lo cho sức khỏe người dân. Trong chương trình có nhiều bài hát do chính các cán bộ ngành Y sáng tác.
Cách đây 64 năm, ngày 27/02/1955, Bác Hồ kính yêu gửi thư cho cán bộ, nhân viên Ngành Y tế. Lời Bác dạy: “cán bộ y tế phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu” vẫn vang vọng, thấm sâu trong tâm trí của những người thầy thuốc Việt Nam và các tầng lớp nhân dân.
Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, rất nhiều cán bộ và nhân viên ngành Y tế đã có mặt trên khắp các mặt trận, các vùng quê để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Không ít người để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường, có người mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo do chất độc hóa học.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thể hiện bài hát “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” .
Nhiều cán bộ, nhân viên Ngành Y tế không ngừng học tập, nghiên cứu khoa học, cứu chữa người bệnh, đóng góp vào sự phát triển của ngành. Có rất nhiều Giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế được Nhà nước vinh danh phong tặng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, Chiến sỹ thi đua như: GS Hồ Đắc Di, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, GS Đặng Văn Chung, GS Đặng Văn Ngữ, GS.TS Tôn Thất Tùng, GS Hoàng Đình Cầm, GS. Lê Thế Trung, bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…
Trải qua 64 năm thực hiện lời dạy của Bác, hàng vạn, hàng triệu y, bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước vẫn đang ngày đêm tận tụy cứu chữa, chăm sóc người bệnh. Đã có nhiều bác sĩ và nhân viên ý tế tình nguyện về các bệnh viện còn nhiều khó khăn, những chuyến đi khám, chữa bệnh từ thiện và phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng thiên tai bão lụt, biên giới hải đảo…
Lãnh đạo VOV và Bộ Y tế tặng hoa các y, bác sĩ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02
Phát huy truyền thống của Ngành Y, sáng 27/02, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Bộ GD-ĐT tổ chức phát động, kêu gọi toàn dân thực hiện chương trình Sức khoẻ Việt Nam. Đến tham dự chương trình có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội. Để thực hiện chương trình sức khỏe Việt Nam, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là phải nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó là tuyên truyền các hành vi, lối sống có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư. Đây cũng là những mục tiêu mà Bộ Y tế hướng tới trong những năm tiếp theo nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Một tiết mục trong Chương trình Nghệ thuật “Thầy thuốc như mẹ hiền”
Tại chương trình, các đại biểu còn được xem lại những hình ảnh về tấm gương hiến tặng mô, tạng như câu chuyện vô cùng xúc động của bé Hải An, bé Vân Nhi, thiếu tá Lê Hải Ninh… hay gần nhất là trường hợp của kỹ sư Nguyễn Xuân Hải đã tạo nên những hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc và thông điệp ý nghĩa về sự sống. Thông qua những tấm gương đó, cho đến nay, có nhiều người tình nguyện hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Nhận thức của xã hội về việc hiến tặng mô, tạng đã có những chuyển biến nhất định. Nhiều bệnh nhân đang cận kề cái chết đã được cứu sống nhờ ghép mô, tạng…
Còn những tâm sự của các người chiến sỹ áo trắng thông qua những câu chuyện, những lời thơ, câu hát, khiến cho những người tham dự chương trình thêm hiểu về những nỗi khó khăn vất vả mà những cán bộ ngành Y phải ngày đêm đối mặt, để thêm cảm phục trước sự dũng cảm, hy sinh quên mình của họ vì người bệnh./.