10 điều cần biết về chế độ ăn uống và sức khỏe tim mạch

Để phòng ngừa đau tim, cần kết hợp nhiều yếu tố khác nhau và thực hiện những thay đổi trong thói quen sinh hoạt. Dưới đây là 10 câu hỏi thường gặp kèm theo lời giải đáp tương ứng về chế độ ăn uống và sức khỏe tim mạch để có một cuộc sống khỏe mạnh:
1. Nên ăn gì để bảo vệ sức khỏe tim?
Bạn có thể ăn gần như tất cả các loại thực phẩm (trừ những loại thực phẩm bạn không dung nạp được hoặc bị dị ứng). Chìa khóa là phải đảm bảo điều độ. Không có loại thực phẩm nào chỉ mang lại lợi ích, và không có loại thực phẩm nào hoàn toàn chỉ có hại. Nhìn chung, một chế độ ăn uống ít đường, ít chất béo, ít muối và giàu chất xơ là một hướng dẫn tốt để bạn áp dụng. Việc ăn những bữa ăn cân bằng có thể mang lại nhiều lợi ích. Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ phát triển các vấn đề tim mạch và còn có thể tăng khả năng sống sót sau cơn đau tim.
2. Ăn uống không điều độ và đôi khi cố nhịn ăn cho đến khi run lên. Thói quen này có hại không?
Run có thể xảy ra do nồng độ đường huyết thấp. Cơ thể hoạt động tốt nhất khi nồng độ đường huyết được duy trì ở mức ổn định. Nếu nồng độ đường huyết hạ xuống quá thấp, bạn có thể sẽ ngủ lịm đi, cảm thấy yếu và đau do đói. Cảm giác đau khi đói khiến bạn muốn tìm kiếm những giải pháp nhanh chóng để xoa dịu cơn đói, vì vậy, bạn thường có xu hướng tiêu thụ những thực phẩm chứa nhiều muối và đường, ví dụ như thanh sôcôla hoặc khoai tây lát mỏng. Việc nạp vào những loại thực phẩm chứa nhiều đường sẽ khiến cho lượng đường dư thừa được chuyển hóa và tích trữ dưới dạng chất béo.
3. Tại sao ăn quá nhiều muối lại có hại?
Tất cả chúng ta đều cần muối để duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, hầu hết mọi người lại ăn quá nhiều muối. Một khảo sát trong nước đã chỉ ra rằng có 9/10 người Singapore tiêu thụ gấp gần 2 lần lượng muối khuyến nghị hàng ngày (2.000 mg muối). Việc nạp vào nhiều muối có thể dẫn đến tăng huyết áp, từ đó làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ và bệnh tim. Chỉ riêng việc nạp vào nhiều muối cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ, bệnh tim. Giảm muối trong chế độ ăn uống có thể giúp hạ huyết áp và ngăn ngừa tăng huyết áp khi già đi
4. Ăn cá có tốt cho tim không?
Ăn cá có lợi cho sức khỏe tổng thể. Cá là nguồn cung cấp dồi dào protein và các loại vitamin, ví dụ như vitamin A (tốt cho mắt và tóc), vitamin B (giúp giải phóng năng lượng từ thức ăn và giúp mô thần kinh khỏe mạnh) và vitamin D (giúp xương và răng chắc khỏe). Một số loại cá giàu chất béo, ví dụ như cá ngừ, cá thu, cá mòi, cá hồi và cá cơm tươi, có chứa axít béo omega-3 có tác dụng hạ huyết áp, cải thiện chức năng mạch máu, và khi dùng ở liều cao hơn sẽ giúp giảm nồng độ cholesterol. Thường xuyên ăn các loại cá giàu chất béo có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và cải thiện khả năng sống sót sau cơn đau tim.
5. Các loại thảo dược như thuốc bắc có tốt cho tim không?
Các loại thuốc và thực phẩm chức năng từ thảo dược được nhiều người biết đến vì có thể dễ dàng mua chúng tại cửa hàng và trên mạng mà không cần bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, những khẳng định về lợi ích của đa phần các sản phẩm này có thể chưa được khoa học kiểm chứng. Đừng cho rằng thảo dược an toàn chỉ vì chúng được khẳng định là có thành phần tự nhiên. Trên thực tế, một số sản phẩm thảo dược không được cấp phép và kiểm nghiệm như các loại thuốc thông thường. Tuyệt đối không được dùng thảo dược để thay thế cho các loại thuốc kê đơn. Do tác dụng của việc dùng kết hợp thuốc cổ truyền và thuốc Tây y kê đơn chưa được xác định, vì vậy, tốt nhất là nên tránh sử dụng kết hợp hai loại thuốc này.
6. Uống nước ép trái cây và ăn trái cây có giống nhau không?
Bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích dinh dưỡng hơn từ việc ăn toàn bộ trái cây thay vì chỉ uống nước ép. Việc ép nước trái cây có thể loại bỏ một số chất dinh dưỡng như vitamin C và đồng thời làm giảm hàm lượng chất xơ. Ngoài ra, nhiều loại nước ép trái cây còn bổ sung thêm đường, điều này đồng nghĩa với việc lượng calo dư thừa sẽ tích tụ trong cơ thể dưới dạng chất béo. Hãy lựa chọn nước ép trái cây tươi không thêm đường để tốt hơn cho sức khỏe. Ăn trái cây trực tiếp cũng có lợi hơn.
7. Ăn rất nhiều nhưng cân nặng vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Vì sao cần tập thể dục?
Gầy đồng nghĩa với khỏe là một lầm tưởng rất phổ biến. Không phải chỉ những người muốn giảm cân mới cần tập thể dục. Tập thể dục giúp cải thiện tuần hoàn máu, vận chuyển chất dinh dưỡng đến các tế bào và thải độc tố ra khỏi cơ thể. Nếu bạn ăn uống không lành mạnh và không tập thể dục, tác động của việc này có thể không thể hiện ở cân nặng mà ảnh hưởng đến tim. Đau tim xảy ra ở cả người gầy cũng như người thừa cân. Thói quen ăn uống lành mạnh kết hợp với tập thể dục và kiểm soát căng thẳng sẽ giúp bạn có vóc dáng cân đối hơn và tăng cường hệ miễn dịch.
8. Sau khi tập thể dục, cảm thấy rất đói và ăn rất nhanh, điều đó không hề giúp ích cho việc kiểm soát cân nặng. Bạn nên làm gì?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người hạn chế lượng calo nạp vào có tuổi thọ cao hơn. Theo kinh nghiệm dân gian, đây chính là lời khuyên về việc chỉ ăn no 3/4, nghĩa là bạn nên giảm lượng calo nạp vào. Não mất khoảng 20 phút để nhận biết dạ dày sắp đầy, vì vậy khi ăn quá nhanh, bạn có thể ăn nhiều hơn mức cần thiết và dung nạp thừa calo. Hãy cố gắng rèn luyện thói quen ăn chậm bằng cách ăn cùng người khác và trò chuyện trong bữa ăn. Ngoài ra, bạn có thể đợi 20 phút trước khi ăn thêm để xem bạn có thực sự còn đói hay không.
9. Sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung canxi để tăng cường sức khỏe xương nhưng bạn nghe nói chúng có thể khiến động mạch cứng lại. Điều đó có đúng không?
Canxi có vai trò quan trọng đối với sức khỏe xương, tuy nhiên một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều canxi có thể góp phần gây cứng động mạch do nồng độ canxi trong máu tăng có thể hình thành mảng xơ vữa trong mạch máu và động mạch. Để phòng ngừa tình trạng này, bạn nên nạp vào lượng canxi theo khuyến nghị (800 – 1.000 mg) từ các nguồn thực phẩm tự nhiên thay vì sử dụng thực phẩm chức năng. Nếu thực phẩm chức năng được bác sĩ kê đơn, hãy đảm bảo bạn tuân thủ liều lượng được khuyến nghị.
10. Các loại ngũ cốc nguyên hạt có thực sự tốt hơn cho sức khỏe không?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngũ cốc nguyên hạt (bánh mì nguyên cám hoặc bánh mì đa hạt, gạo lứt, yến mạch, lúa mạch và mì hoặc mì ống nguyên hạt) chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn và rất giàu chất xơ. Việc dùng ngũ cốc nguyên hạt để thay cho gạo và bánh mì trắng thông thường đã qua xử lý có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giúp kiểm soát đái tháo đường. Các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt còn giúp bạn no lâu hơn và góp phần kiểm soát cân nặng.