Ngày Cá tháng Tư được cho là bắt đầu tại nước Pháp vào thế kỷ thứ 16. Thời điểm ấy, người Pháp thường đón năm mới vào ngày 1/4 vì đây được xem là ngày bắt đầu của mùa Xuân. Tuy nhiên, Hoàng đế Charles IX vào năm 1567 đã quyết định không đón năm mới vào 1/4 như thông lệ, ông quyết định năm mới sẽ được bắt đầu vào ngày 1/1. Nhưng vì phương tiện truyền thông khi ấy chưa thần tốc được như bây giờ nên không phải người dân nào của nước Pháp cũng biết về thay đổi này. Những người chưa nhận được tin vẫn đón năm mới vào ngày 1/4, số khác biết nhưng vẫn “lì lợm” đón năm mới bằng lịch cũ. Và cũng năm đó, người ta đã gọi ngày 1/4 là “ngày nói dối” và ngày nói dối chính thức ra đời như vậy.
Trò đùa ngày nói dối sau đó không còn nằm trong địa phận nước Pháp nữa mà đã được lây lan sang Anh, Scotland. Rồi cùng với các cuộc xâm lấn thuộc địa, ngày nói dối đã được lan truyền sang nhiều nước khác nhau trên khắp thế giới và trở nên cực thịnh hành vào ngày nay.
Tuy nhiên, cũng có một giả thiết khác về ngày nói dối và theo giả thiết này – từ nhà thần học Manfred Becker-Huberti – thì trong tín ngưỡng cổ, người ta tin ngày 1/4 là ngày không may mắn vì đây là ngày sinh và chết của người đã phản bội Chú Jesus, Judas Iscariot, và vì thế, đây được cho là ngày xui xẻo. Nên người ta lấy ngày này để đùa vui nhau, tạo ra tiếng cười vui vẻ.
Ngày nói dối sau đó không chỉ còn là ngày mọi người trêu đùa nhau mà nhiều hãng truyền thông cũng “vào cuộc”, tạo ra những cú lừa ngoạn mục. Đơn cử như hãng BBC năm 1957 cũng từng phát sóng một đoạn băng thông tin giả về việc nông dân Thụy Sĩ thu hoạch mì ống từ những cái cây. Đoạn băng này lập tức thu hút được rất nhiều sự quan tâm của công chúng, thậm chí nhiều người đã gọi điện thoại đến hỏi nơi có thể mua được những cái cây đặc biệt này? Một ngày sau đó, BBC đã lên tiếng cải chính, nói đây chỉ là trò đùa ngày Cá tháng Tư mà thôi.
Sau này, còn rất nhiều hãng truyền thông khác như CNN cũng trêu khán giả vào ngày Cá tháng Tư. Và cùng vớisự phát triển của internet, mạng xã hội, những trò đùa nói dối càng ngày càng có lượng người bị lừa lớn hơn.